Điều trị các bớt sắc tố bằng laser ruby

dieu_tri_cac_bot_sac_to_bang_laser_ruby

Quy trình kỹ thuật điều trị các bớt sắc tố bằng laser ruby . Thông tin y khoa cập nhật dành cho Bác sỹ và chuyên gia Y tế.


QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ CÁC BỚT SẮC TỐ BẰNG LASER RUBY

Điều trị các bớt sắc tố bằng Laser Ruby là kỹ thuật sử dụng chùm tia laser có bước sóng 694nm, dựa trên hiệu ứng quang nhiệt phân huỷ chọn lọc các tế bào bớt sắc tố tại tổ chức đích.

 1. CHỈ ĐỊNH

Bớt sắc tố bẩm sinh hay mắc phải

2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh không đồng ý hoặc không hợp tác điều trị.
  • Vùng da cần điều trị đang có vết thương hở hoặc đang nhiễm trùng cấp tính, lan toả.
  • Bệnh toàn thể nặng: bệnh hệ thống, suy tim, suy hô hấp…

Thận trọng khi điều trị:

  • Người bệnh đang sử dụng hoặc mới dừng sử dụng isotretinoin dưới 6tháng
  • Vùng da điều trị đang chiếu xạ.
  • Cơ địa sẹo lồi.
  • Suy giảm miễn dịch nặng.
  • Phụ nữ có thai.
  • Hình xăm mới (< 3 tháng)

3. CHUẨN BỊ

3.1. Nơi thực hiện

Phòng thủ thuật đủ rộng (diện tích trên 12m2), kín đáo, được tiệt trùng (tia cực tím).

Đảm bảo các điều kiện: Ánh sáng: 300-700 lux, nhiệt độ: 21-240C, độ ẩm: 60-70%.

3.2. Người thực hiện

Thủ thuật viên: 1 người, phụ: 1 người, giúp việc: 1 người.

3.3. Trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư tiêu hao

  • Trang thiết bị: Máy Laser Ruby, kính mắt lọc bước sóng 694nm (cho thủ thuật viên và người phụ), kính che bảo vệ mắt cho người bệnh (bằng kim loại).
  • Dụng cụ: Khay quả đậu, pince, kéo, bơmtiêm…
  • Thuốc: Cồn 70, Povidin10%, NaCl 0,9%, kem/mỡ kháng sinh, lidocain 2%, EMLA 5%
  • Vật tư tiêu hao: Bông, băng, gạc, băng dính, băng cá nhân vô khuẩn.

3.4. Người bệnh

  • Phiếu chỉ định, phiếu chuẩn bị, giấy cam kết, xét nghiệm nếu có.
  • Ảnh thương tổn người bệnh trước và sau thủ thuật.

3.5. Hồ sơ bệnh án người bệnh nội trú), Phiếu điều trị (người bệnh ngoại trú)

  • Phiếu chỉ định, phiếu chuẩn bị, giấy cam kết, xét nghiệm nếu có.
  • Ảnh thương tổn người bệnh trước và sau thủ thuật.

4. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

4.1. Nhóm làm thủ thuật

Mặc trang phục bảo hộ: Quần, áo, mũ, kính, khẩu trang

Rửa tay hoặc sát trùng tay nhanh, đi găng vô trùng.

4.2. Kiểm tra người bệnh

Đúng người bệnh, đúng thương tổn cần điều trị.

Người bệnh nằm trên bàn, tư thế thoải mái, phù hợp

4.3. Vô cảm

Có thể sử dụng một trong các biện pháp vô cảm sau:

Gây tê tại chỗ bằng bôi tê, tiêm thấm hoặc tê vùng: tê nhánh thần kinh, tê tĩnh mạch

Gây mê: Mê úp mặt nạ, mê tĩnh mạch, mê nội khí quản…(trong trường hợp thực hiện thủ thuật cho trẻ nhỏ <6 tuổi)

4.4. Vô trùng

Sát trùng bằng cồn 70, để khô hoặc povidin, sau đó lau sạch bằng NaCl 0,9%

4.5. Loại bỏ thương tổn

Lựa chọn và cài đặt thông số điều trị: đường kính chùm tia, mật độ năng lượng…

Chiếu tia laser lên vùng cần điều trị đảm bảo đều khắp với sự chồng lấn 10%-15%.

4.6. Làm sạch và sát trùng vùng điều trị

Làm sạch vùng điều trị bằng gạc với NaCl 0,9% hoặc Oxy già 2% thể tích.

Trong trường hợp có xuất huyết hoặc tổn thương hở da sau khi điều trị do chọn thông số điều trị cao cần sát trùng vùng điều trị bằng một trong các chất: povidin 10%, chlorhexidin 2%…

 4.7. Bôi thuốc và băng thương tổn

Thoa các loại thuốc hỗ trợ lành vết thương, sát trùng nhẹ (chứa axit hyaluronic hoặc oxit kẽm, oxit đồng) hoặc thoa thuốc hỗ trợ tan bầm máu (nếu có sung bầm sau điều trị).

Đắp gạc: urgotull, gạc mỡ, gạc vô trùng. Băng thương tổn, băng ép nhẹ (nếu cần).

5. THEO DÕI

  • Theo dõi 30 phút với trường hợp gây tê tại chỗ, 6 giờ với gây mê hoặc tê tuỷ sống
  • Toàn trạng: phát hiện sớm sốc phản vệ, theo dõi chức năng sống và rối loạn khác
  • Tại chỗ: tình trạng phù nề, chảy máu tại vùng điều trị

6. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Báo bác sĩ ngay khi có tai biến

  • Sốc phản vệ: kiểm soát chức năng sống, xử trí ngay theo phác đồ sốc phản vệ
  • Tai biến khác: tuỳ theo loại và mức độ xử lý phù hợp.

 

Thẻ: , ,

Chuyên mục:

Hạy gọi cho chúng tôi để được tư vấn tốt nhất HOTLINE: 0984110997

Comments are closed here.