Chăm sóc người bệnh Pemphigoid

Quy trình kỹ thuật chăm sóc người bệnh Pemphigoid. Bệnh pemphigoid thuộc nhóm bệnh da có bọng nước tự miễn, mạn tính đặc trưng bởi tổn thương bọng nước căng, mụn nước, sẩn phù và ngứa nhiều, bệnh thường gặp ở nữ, cao tuổi. Bệnh do cơ thể sinh ra các tự kháng thể chống lại hemidesmosome của màng đáy.

Bệnh pemphigoid được phân loại là nặng khi có tổn thương da và niêm mạc nhiều, trợt/loét rộng (>10% diện tích cơ thể) nguy cơ gây mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng thứ phát và suy kiệt.

Mục đích của công tác chăm sóc người bệnh Pemphigoid

  • Làm sạch vết trợt loét do bọng nước bị dập vỡ, làm lành tổn thương
  • Làm sạch các tổn thương niêm mạc
  • Ngăn ngừa các biến chứng của bệnh pemphigoid như gây mất nước điện giải, nhiễm trùng thứ phát, suy kiệt.

Yêu cầu của công tác chăm sóc người bệnh Pemphigoid

  • Đảm bảo vô khuẩn khi chăm sóc người bệnh
  • Có thái độ ân cần, thông cảm với người bệnh

1. CHỈ ÐỊNH

Thay băng tổn thương trợt /loét da hàng ngày trong quá trình điều trị

2. CHỐNG CHỈ ÐỊNH

Ðang có các dấu hiệu đe dọa chức năng sống như suy hô hấp, trụy tim mạch, shock … (cần ưu tiên hồi sức tổng hợp, khi kiểm soát cơ bản đuợc chức năng sống mới tiến hành thay băng).

3. CHUẨN BỊ

3.1  Người thực hiện

  • 01 bác sỹ điều trị (ra y lệnh)
  • 01 điều dưỡng được đào tạo về quy trình

3.2. Trang thiết bị

3.2.1. Địa điểm thay băng

  • 01 buồng thủ thuật
  • Điều hòa 2 chiều hoặc quạt sưởi nếu là mùa đông

3.2.2. Dụng cụ

  • 01 xe đẩy y tế để dụng cụ
  • Khay quả dậu, bông, băng, gạc, vải vô khuẩn.
  • Panh có mấu và không mấu, kéo cong, kéo thẳng, găng tay. Nên có sẵn những dụng cụ cầm máu như pince, kìm cầm ..
  • Xô đựng đồ bẩn

3.2.3. Thuốc thay băng

Các dung dịch sát khuẩn dùng để rửa vết trợt, loét: Dung dịch Natriclorid 0,9%; dung dịch PVP iodine 10%,

Các thuốc dùng tại chỗ:

  • Thuốc có tác dụng kháng khuẩn: thuốc kháng sinh dùng ngoài…
  • Thuốc có tác dụng tạo môi trưởng ẩm tại vết thương: mỡ vaselin, mỡ betadin, mỡ povidon-iodine- glucose

3.3. Người bệnh

  • Giải thích động viên người bệnh hoặc người nhà để họ yên tâm hợp tác
  • Thử phản ứng thuốc (nếu cần)
  • Kiểm tra mạch, nhiệt dộ, huyết áp, tình trạng hô hấp…

3.4. Hồ sơ bệnh án

Ghi chép hồ sơ bệnh án người bệnh trước và sau khi làm thủ thuật thay băng, chăm sóc tổn thương da (tình trạng toàn thân, tổn thương da, thuốc sử dụng)

4. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

4.1. Kiểm tra hồ sơ

Xác định đúng người bệnh, kiểm tra lại chẩn đoán và chỉ định điều trị

4.2.  Kiểm tra người bệnh

Theo dõi tình trạng toàn thân và các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh (mạch, huyết áp, nhiệt độ) trước khi tiến hành thay băng, chăm sóc người bệnh

4.3.  Thực hiện kỹ thuật

4.3.1. Chăm sóc tổn thương niêm mạc, hốc tự nhiên

  • Lau rửa niêm mạc, mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, tra thuốc mắt theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa mắt (nếu có)
  • Lau rửa miệng bằng nước muối sinh lý và bôi glycerinborate 2%
  • Rửa niêm mạc sinh dục bằng nước muối sinh lý, thuốc tím pha loãng 1/10.000, bôi dung dịch glycerinborate 2%

4.3.2. Tắm cho người bệnh và làm sạch tổn thương da

Bước 1: Tắm rửa toàn thân (nếu tổn thương lan tỏa) hoặc tắm rửa phần cơ thể bị tổn thương (nếu tổn thương khu trú)

Bước 2: Làm sạch tổn thương da: Dùng gạc mềm hoặc bông cầu vô trùng tẩm dung dịch nước muối để rửa tổn thương; lấy bỏ giả mạc, cắt lọc hoại tử.

4.3.3. Xử trí bọng nước chưa dập vỡ

Nếu bọng nước chưa dập vỡ, chưa bị nhiễm khuẩn: trích rạch bọng nước, tháo bỏ dịch bọng nước, cố gắng giữ lạivòm bọng nước, sau đó băng ép lại.

4.3.4. Sử dụng thuốc tại chỗ

Sử dụng thuốc tại chỗ theo chỉ định của bác sỹ

Ðiều dưỡng vô trùng chuẩn bị các thuốc dùng tại chỗ theo một trong 2 cách

  • Bôi thuốc trực tiếp lên tổn thương da, sau đó đắp một lớp gạc vô trùng bên ngoài. Nên đắp tiếp một lớp gạc tẩm vaseline bên ngoài lớp gạc trong cùng.
  • Tẩm thuốc vào một lớp gạc rồi đắp lên vết thương sao cho mép các tấm gạc chồng một phần lên nhau; đắp một lớp gạc tẩm vaseline chồng lên lớp gạc thuốc.

4.3.4. Băng tổn thương, đưa  người bệnh về giuờng và theo dõi sau thay   băng

  • Băng lại tổn thương bằng băng cuộn hoặc băng lưới, không băng quá chặt làm ảnh huởng dến lưu thông tuần hoàn của người bệnh.
  • Ðưa người bệnh về giường, kiểm tra lại các chỉ số hô hấp, mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh và bàn giao cho điều dưỡng buồng bệnh.

5. THEO DÕI

Toàn thân

Theo dõi chặt chẽ trạng thái toàn thân, mạch, nhiệt độ, huyết áp…sau thay băng, kịp thời phát hiện trạng thái sốc, đe dọa sốc để xứ lý.

Tại chỗ

  • Tụt băng gạc để lộ tổn thương: tiến hành băng bó bổ
  • Tình trạng băng quá chặt gây phù nề, chèn ép vùng tổn thương
  • Chảy máu

6. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Báo bác sĩ ngay khi có tai biến.

Toàn thân

Người bệnh choáng, ngất trong và sau thay băng: Tạm dừng thay băng, đặt nằm chỗ thoáng, mát, cho thở oxy, thuốc trợ tim. Khi người bệnh tỉnh, trở lại trạng ổn định cho phép mới thay băng tiếp.

Tại chỗ

  • Tiến hành băng bổ sung nếu tụt băng gạc hoặc nới lỏng băng nếu băng quá chặt
  • Nếu chảy máu thay băng lại vùng chảy máu, đắp nước muối ấm, đắp lại gạc thuốc, gạc vaseline và gạc khô, băng ép.

 

Thẻ: , , ,

Chuyên mục:

Hạy gọi cho chúng tôi để được tư vấn tốt nhất HOTLINE: 0984110997

Comments are closed here.